Thông qua tác phẩm này, Chu Đạt Quan đã phác họa nên bức tranh đầy màu sắc về “phong thổ, quốc sự” của vương quốc Chân Lạp trong quá khứ.
Năm 1295, theo lệnh của vua Nguyên Thành Tông, một sứ bộ của triều đình nhà Nguyên đã lên đường vượt biển tìm đến Chân Lạp. Chu Đạt Quan, thương gia và cũng là một nhà hàng hải đã có mặt với tư cách thành viên chính thức trong sứ bộ mang trách nhiệm “thần phục” vương quốc này.
Đây là một chuyến đi khá đặc biệt bởi nó được thực hiện sau khi nhà Nguyên chịu những thất bại nặng nề trong cuộc chinh phục Đại Việt và Champa bằng vũ lực diễn ra trước đó. Vì vậy, việc thu phục các quốc gia Đông Nam Á theo phương thức ngoại giao mềm dẻo hơn được ráo riết tiến hành.
Bên cạnh nhiệm vụ chính yếu được Nguyên Thành Tông giao phó, trong khoảng một năm lưu trú tại Chân Lạp, Chu Đạt Quan đã dành thời gian tìm tòi, quan sát về mọi mặt trong đời sống vật chất, tinh thần của cư dân ở nơi đây.
Dựa trên những thông tin, sự việc đã tiếp nhận được, ông tiến hành ghi chép, sắp xếp chúng thành một cuốn sách hoàn chỉnh với tên gọi Chân Lạp phong thổ ký.
Là tư liệu hiếm hoi về Chân Lạp trong quá khứ, vì vậy, cuốn sách này được xem như một trong những nguồn tham khảo đặc biệt quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu phương Tây khi thực hiện những nghiên cứu khảo sát về đời sống, xã hội của vùng đất này trong giai đoạn về sau.
Đồng thời, Chân Lạp phong thổ ký cũng góp phần bổ sung khiếm khuyết của sử nhà Nguyên trong việc thiếu vắng những ghi chép về Chân Lạp như lời khảo xét của các đại thần nhà Thanh trong phần đề yếu khi đưa cuốn sách này vào bộ Khâm định tứ khố toàn thư dưới triều Càn Long.
Khác với phong cách ngẫu hứng mà người đọc thường bắt gặp ở các tác phẩm thuộc loại hình bút ký và du ký, trong Chân Lạp phong thổ ký, Chu Đạt Quan đã dụng công sắp xếp một trình tự cụ thể và mạch lạc cho những ghi chép của mình.
Tuy vậy, điều này dường như không hề làm cho cuốn sách trở nên khô cứng, mà trái lại, những cảm quan thú vị của tác giả vẫn được giữ nguyên. Đồng thời, việc phân bố thành các đề mục với độ tóm lược về thông tin giúp cho người đọc dễ dàng tiếp cận với nội dung mà Chu Đạt Quan muốn truyền tải.
Thông qua 40 đề mục được phân bố rõ rệt trong Chân Lạp phong thổ ký, Chu Đạt Quan dẫn dắt người đọc lần lượt điểm qua từng mặt trong bức tranh tổng thể về địa lý tự nhiên cũng như đời sống xã hội của một trong những tiểu quốc trọng yếu của khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh những mô tả cụ thể về những sự vật sự việc mà bản thân đã được chứng kiến trong thời gian lưu trú và khám phá vương quốc Chân Lạp, Chu Đạt Quan còn bộc lộ những đánh giá, cảm nhận riêng của mình về những điều mắt thấy tai nghe.
Tuy nhiên, trong quan điểm đương thời về tương quan giữa mẫu quốc và phiên quốc, những đánh giá này không tránh khỏi những thiên kiến có phần tiêu cực. Ví dụ như trong những nhìn nhận, đánh giá về phong tục, con người Chân Lạp, người đọc liên tục bắt gặp cụm từ “thật xấu xa”, “thật đáng cười”.
Hay dù vẫn nhìn nhận tính khu biệt nhất định của Chân Lạp về “phong thổ, quốc sự”, tuy nhiên Chu Đạt Quan cũng vẫn coi đó là một “nước mọi rợ”, thấp kém hơn trong liên hệ với văn minh Trung Hoa lúc bấy giờ.
Ngoài ra, có một số điểm trong Chân Lạp phong thổ ký dường như không chính xác so với thực tế, như phần mô tả về Lễ trận thảm mà sau này nhà nghiên cứu phương Tây Paul Pelliot đã chỉ ra rằng đó “chắc chắn là một chuyện ghi chép theo lời đồn mà chưa được sửa chữa kỹ lưỡng”.
Một điểm sáng ở cuốn sách này của Chu Đạt Quan đó là sự trung thực của ông trong việc truyền tải thông tin. Ngay từ lời tựa, ông cũng đã xác định rằng đây chỉ là “những nét đại lược” và không hề cố gắng gò ép thông tin.
Điều này thể hiện rất rõ ở một số đề mục như Tam giáo, khi đưa ra hết những điều khái quát mà ghi nhận được về phong tục, Chu Đạt Quan trình bày thẳng thắn rằng “còn không thể khảo xét được tường tận hơn”.
Trên phương diện hình thức, Chân Lạp phong thổ ký dường như là một cuốn sách mang dáp dấp của thể loại dân tộc ký, một trong những loại hình nghiên cứu lấy việc thiết lập tư liệu về con người, văn hóa và xã hội dựa trên việc khảo sát, điền dã.
Loại hình dân tộc ký cũng là một trong những nền tảng quan trọng được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn thời hiện đại.
Có lẽ, chính vì những lý do đã nêu trên mà dường như trải qua suốt mấy trăm từ khi được Chu Đạt Quan cho ra đời cho đến nay, Chân Lạp phong thổ ký vẫn còn đóng giữ một vị trí xung yếu trong việc cung cấp đầu mối, tư liệu cho các nghiên cứu về tự nhiên, con người và xã hội Chân Lạp trong giai đoạn cuối thế kỷ 13, nửa đầu thế kỷ 14.
Đồng thời, cũng góp phần làm hoàn chỉnh thêm bức tranh lịch sử với những mối tương quan trên nhiều phương diện giữa triều đình Trung Hoa đương thời và Chân Lạp nói riêng cũng như với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á nói chung.
Nhận xét
Đăng nhận xét