Chuyển đến nội dung chính

Cổ học tinh hoa

Đây là cuốn sách làm tôi phải say mê ngay từ khi vào năm lớp 10 và tôi vẫn thường đọc nó mỗi khi rảnh rỗi. Hôm nay lên trang Thư viện ebooks thấy được cuốn sách điện tử, tôi xin mạo muội chia sẻ lên blog của mình. Sau đây là phần trích dẫn:


Cổ học tinh hoa

Tiểu tự

“Có mới, nới cũ” thường tình vẫn thế. Tân học mỗi ngày một tiến, tất Cựu học phải lùi và có khi sợ rồi mai một đi mất. Nhưng, Tân học mà hay, tất là Tân học có một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy tức là tinh hoa của Cựu học. Cựu học nước nhà là một thứ học trải qua bao nhiêu đời, đã làm cho ông cha ta phù thực được cương thường, chấn chỉnh được phong hóa, bảo tồn được quốc thể, duy trì được thế đạo nhân tâm, thật không phải là một cái Học không có giá trị đáng khinh rẻ hay quên bỏ được. Vả chăng: "Tri kim, nhi bất tri cổ, vị chi manh cổ; tri cổ, nhi bất tri kim, vị tri lục trầm" ta đã biết truyện đời nay, ta lại cần phải học truyện đời xưa, ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới không đến nỗi khiếm khuyết. Vì, tuy chia làm cổ, kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi sớm, buổi chiều trong một ngày của trời đất, kẻ học giả mà câu nệ chấp nhất, chỉ biết cổ không muốn biết kim, hay chỉ biết kim không muốn biết cổ, thì sao gọi là "bác cổ thông kim" được!
Cựu học của ta là gì? Cựu học của ta tức là Hán học nghĩa là một cái Học chung cho cả mấy dân tộc ở Á Đông đã chịu cái văn hóa của giống người Hán, tức là người Trung Hoa. Cựu học không phải là chỉ có Tứ Thư, Ngũ Kinh, xưa kia đa số quen dùng làm cái học cử nghiệp mà thôi. Ngoại giả, còn Bác gia chư tử thật là man mác rộng như bể, học thuyết đủ mọi mặt, lý tưởng rất sâu xa, muốn học cho tới nơi, phải mất bao nhiêu công phu, thời giờ mới được. Nay, chúng tôi biên tập quyển sách nầy, không phải là muốn chuyên tâm nghiên cứu riêng một phái nào hay một nhà nào. Chúng tôi chỉ góp nhặt một đôi chút lý tưởng trong Cổ học gọi là để cho người đọc thiệp liệp qua được một ít tinh hoa của lối học cũ mà thôi. Nên chúng tôi mới lạm dụng bốn chữ "Cổ Học Tinh Hoa" làm nhan sách.


Chúng tôi có ý chọn những bài ngắn mà nghĩa lý hàm súc dồi dào. Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu đệ, nào trung tín, nào lễ nghĩa, nào liêm sĩ, đến cả những việc kỳ quái, sinh tử; bài nầy chính giọng huấn giáo, bài kia rõ thể ngụ ngôn, truyện nầy nghiêm trang khắc khổ, truyện kia khôi hài lý thú; đức Khổng nói "Nhân" hồn nhiên như hóa công; ông Mạnh bàn "Nghĩa" chơm chởm như núi đá, Tuân Tử nói "Lễ" thật là đường bệ, Mặc Tử nói "Ái" thật là rộng rãi, hình danh như Hàn phi tử thật là nghiêm nghị khiến người mất bụng làm xằng, ngôn luận như Án Tử thật là thâm thiết khiến người dễ đường tỉnh ngộ, đến nói đạo đức như Lão Tử, bàn khoáng đạt như Trang Tử thật lại biến hóa như rồng, phấp phới như mây... các lý thuyết mỗi nhà một khác, có khi phản đối hẳn nhau, nhưng thực khiến cho người đọc vừa được vui, vừa phải đem tâm suy nghĩ.

Dịch những bài văn như thế, chúng tôi lấy làm rất khó. Chẳng những chữ Hán dịch ra chữ Nam, lắm câu không hết được nghĩa, nhiều bài, chính nguyên văn cũng mỗi nơi chép một khác không lấy gì làm xác định. Nên khi dịch, chúng tôi phải châm chước cân nhắc từng bài, bài thì địch thẳng nguyên văn, bài thì chỉ dịch lấy đại ý, hoặc có bài phải rút bớt, hay thêm ra, hay đúc lại, cốt cho nó xuông tiếng Nam mà không hại đến nghĩa bài thì thôi. Dịch Hán văn ra quốc văn, tất phải dùng nhiều chữ Hán. Song chữ nào bất đắc dĩ phải dùng, thì ở dưới chúng tôi đã có "giải nghĩa" rõ ràng. Nghĩa ấy thường chỉ là nghĩa riêng trong bài, chớ không phải hết mọi nghĩa của từng chữ.

Những tên người, tên đất, muốn cho tinh tường, đáng lẽ phải có một cái biểu liệt đủ tên những tác giả cùng những người nói trong chuyện và một bức địa đồ Trung Hoa trải qua các thời đại. Nhưng việc ấy xin để nhường những nhà chuyên về Bắc sử sau nầy, đây chúng tôi chỉ chua qua để cho độc giả đủ biết cái đại cương mà thôi. Đọc một bài văn hay, mà tư tưởng đã thấm thía vào tâm não, thì tất không sao để yên ngòi bút mà không phê bình được. Đó cũng là một cái thông bệnh của những người hâm mộ văn chương hay có cái thú ngâm nga và đưa ngòi bút khuyên liền, khuyên kín vậy. Chúng tôi cũng không tránh khỏi cái bệnh ấy. Nên dưới mỗi bài chúng tôi cũng góp "Lời Bàn", cốt là để giải rõ các đại ý trong bài hoặc lạm bình một, đôi câu ứng với cái thời buổi bây giờ.

Chúng tôi mạo muội biên dịch quyển sách nầy là quyển đầu, có ý bảo tồn tinh hoa của cổ học và mong các bạn thiếu niên ta nhớ đến nguồn gốc từ bao nghiêu nghìn năm về trước, rõ các điển tích thường dẫn trong văn chương nước nhà, thêm trước được ít tài liệu có khi làm văn phải dùng đến, rộng được ít tri thức tuy thuộc về Cổ học mà thật khác nào "như thóc gạo, như vải lụa", thường cần đến hàng ngày. Nếu quyển sách này, giúp được một phần trong muôn phần ấy, thì chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm vậy.

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm Ất Sửu (1925)

Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc 
Từ An Trần Lê Nhân
Link download: 
Part 1
Part 2

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đại số đại cương của Hoàng Xuân Sính

Sách Đại số đại cương dành cho sinh viên ngành Toán. Tác giả: Hoàng Xuân Sính Nhà xuất bản: Giáo dục Năm xuất bản: 2005 Nội dung sách gồm 6 chương: Chương I: Tập hợp và quan hệ Chương II: Nửa nhóm và nhóm Chương III: Vành và trường Chương IV: Vành đa thức Chướng V: Vành chính và vành Ơclit Chương VI: Đa thức trên trường số DOWNLOAD: MediaFire

Hán Văn – Trần Trọng San

Hán Văn NXB Bắc Đẩu 1973 Tác giả: Trần Trọng San Số trang: 448 Quyển “Hán Văn” này, gồm có 4 phần sau: Phần thứ nhất – Mở đầu Phần thứ hai – Tân quốc văn Phần thứ ba – Trung quốc văn tuyên Phần thứ tư – Trung quốc văn phạm Download Hán Văn (NXB Bắc Đẩu 1973) – Trần Trọng San, 448 Trang.PDF Download Hán Văn (NXB Bắc Đẩu 1973) – Trần Trọng San, 448 Trang.PDF Download Hán Văn (NXB Bắc Đẩu 1973) – Trần Trọng San, 448 Trang.PDF Sưu tầm tài liệu học Hán Văn: Download

Pà Pá, Mình Kiếm Món Gì Ngon Ăn Đi

Có câu “Ăn cơm Tàu” để chỉ sự hấp dẫn của ẩm thực Trung Hoa. “Pà Pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi” là câu cửa miệng mỗi chiều tuổi thơ của một gia đình người Hoa sống ở Chợ Lớn trả qua ba thế hệ gần 100 năm. Nhà báo Phạm Công Luận tâm đắc: “Qua cuốn sách này, có thể thấy vẻ đẹp, sự hấp dẫn của nghệ thuật ẩm thực do người Hoa sống lâu đời ở Chợ Lớn còn được giữ gìn và phổ biến. Còn thấy được tình người, tình đời trong cuộc sống gắn bó với truyền thống nhưng cởi mở với cộng đồng của họ”. Pà Pá, Mình Kiếm Món Gì Ngon Ăn Đi không phải là sách dạy nấu ăn, dù cuốn sách là hơn 30 món thuộc loại “đặc sản” của người Hoa: Bánh bao, bánh tổ, bánh hẹ, cải chua ruột heo, chì mà phủ (chè mè đen), lạp vịt, sủi cảo, hột gà trà… mà sau món ăn còn là tình, là nghĩa. Ông già Tiều 80 tuổi buổi sáng chỉ ăn cháo trắng nhưng đủ sức tát vào mặt để cảnh cáo ông thầy giáo vì ham vợ bé nên đánh vợ lớn đến gãy tay. Hoặc món bánh bá trạng là cách cư xử đẹp đẽ với nhau giữa hai người phụ nữ lấy ch